BANNER

Môn Sinh học 11 với vấn đề bảo vệ sức khỏe sinh sản của học sinh

Chủ nhật - 19/05/2024 21:42
Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, kiến thức môn học đa dạng, nhiều phần kiến thức được vận dụng vào thực tiễn. Một trong các phương pháp giáo dục môn Sinh học được định hướng: “ Rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức sinh học để phát hiện và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn; khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm, sáng tạo trên cơ sở tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động học tập, khám phá, vận dụng”.
Trong đó, môn Sinh học 11 nghiên cứu về cơ thể sinh vật, chú trọng về cơ thể người. Ở bài 22, 27- Sinh học 11 có những nội dung có thể tích hợp để giáo dục học sinh về sức khỏe sinh sản. Các bước tích hợp như sau:
Chuẩn bị nội dung cần tích hợp
Giáo viên chuẩn bị nội dung cần tích hợp giáo dục sức khỏe sinh sản lồng ghép vào bài 27 như sau:
TT Bài Tên bài Nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản
1 22 Sinh trưởng và phát triển ở động vật - Giáo dục cho học sinh biết thời điểm dậy thì, biểu hiện của tuổi dậy thì, cách chăm sóc sức khỏe khi dậy thì, những dấu hiệu bình thường và bất thường.
2 27 Sinh sản ở động vật - Giới thiệu cho học sinh cơ chế điều hòa sinh tinh và sinh trứng
- Giáo dục cho học sinh biết tuổi nào có khả năng sinh sản, khi nào thì có thai.
- Giáo dục cho học sinh các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình điều hòa sinh tinh và sinh trứng để từ đó có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cho điều độ hợp lí.
- Giới thiệu cho học sinh các biện pháp tránh thai, cơ chế tác dụng của mỗi biện pháp.
          Khi dạy bài 22 và bài 27 Sinh học 11, học sinh phải biết vận dụng kiến thức lí thuyết vào thực tiễn, biết cách chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì có thái độ và hành vi đúng đắn về vấn đề tình dục, mang thai tuổi vị thành niên.

Hiểu được tác động của các loại hormone lên cơ chế điều hòa sinh tinh và sinh trứng. Trong mục này giáo viên dựa vào kiến thức để giáo dục cho học sinh những biểu hiện bình thường và bất thường ở tuổi dậy thì, cách chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì và cách xử trí khi có biểu hiện bất thường. Giáo viên nêu ra những khó khăn và thách thức khi mang thai ở tuổi vị thành niên để các em có nhận thức đúng đắn về vấn đề này
Thông qua kiến thức về  ảnh hưởng của thần kinh và môi trường đến quá trình sinh tinh và sinh trứng, giáo viên giáo dục học sinh có lối sống lành mạnh, có chế độ ăn uống hợp lí  để có sức khỏe sinh sản tốt.
Tổ chức dạy học tích hợp
Tổ chức dạy học tích hợp giáo dục sức khỏe sinh sản vào mục 3 của bài 27:
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ
GV chia nhóm lớp, yêu cầu học sinh quan sát hình 27.9, 27.10 trong sách giáo khoa, liên hệ kiến thức mục IV bài 22 và hoàn thiện các phiếu học tập:
Nhóm 1:
1/ Lứa tuổi dậy thì là lứa tuổi nào?
2/ Những biểu hiện bình thường ở lứa tuổi dậy thì ?
3/ Chăm sóc cơ thể ở lứa tuổi dậy thì như thế nào?
Nhóm 2:
4/ Rối loạn hormone có ảnh hưởng gì đến quá trình sinh sản ở nữ?
5/ Khi có những dấu hiệu bất thường về sinh dục bạn nên làm gì?
6/ Bạn sẽ làm gì để bảo vệ sức khỏe, sức khỏe sinh sản?
          Nhóm 3:
7/ Khi mang thai cơ thể các bạn nữ sẽ có những thay đổi gì? Dấu hiệu nhận biết khi mang thai?
8/ Bạn nữ nên làm gì để tránh mang thai ngoài ý muốn?
Nhóm 4:
9/ Bạn nữ nên làm gì khi biết mình có thai?
10/ Có nên mang thai ở lứa tuổi dậy thì không? Tại sao?
11/ Có các biện pháp tránh thai nào?
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ
HS: Tiến hành thảo luận trong 5 phút, Hoạt động nhóm, thu nhận ý kiến cá nhân và thống nhất ý kiến
HS: GV nhận xét giúp đỡ học sinh: hoàn chỉnh phần trả lời, phân tích rõ những tác hại và khó khăn khi mang thai ngoài ý muốn.
Bước 3: Báo cáo kết quả: Đại diện nhóm trình bày, nhóm khác nhận xét, bổ sung.
Bước 4: GV nhận xét, bổ sung, kết luận
Nhóm 1:
- Độ tuổi trung bình dậy thì ở nữ bắt đầu là 11 tuổi, nữ có thể dậy thì trong khoảng 8- 13 tuổi, độ tuổi trung bình dậy thì ở nam bắt đầu là 12 tuổi, có thể dậy thì trong khoảng 9- 14 tuổi.
- Những biểu hiện của dậy thì: Tăng trưởng chiều cao và cân nặng, ngực lớn và hơi đau, xuất hiện mọc lông ở vùng kín, thay đổi tính nết, quan tâm để ý đến bạn khác giới, mọc mụn trứng cá, bắt đầu có kinh nguyệt (ở nữ), xuất tinh khi mê ngủ ( ở nam).
- Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lí…
Nhóm 2:
- Khi rối loạn hormone làm mất cân bằng nội tiết gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thậm chí vô sinh, gây các bệnh về da, tâm lý tiêu cực, tăng cân, rối loạn chu kì kinh nguyệt...
- Khi có những dấu hiệu bất thường về sinh dục nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn hướng dẫn đúng cách...
Nhóm 3:
- Khi mang thai cơ thể bạn nữ sẽ có các dấu hiệu: da ngực sẫm màu, chậm kinh và mất kinh, mệt mỏi, trí nhớ suy giảm, thân nhiệt tăng.…
- Để không mang thai các bạn nữ không được quan hệ tình dục với bạn trai.
Nhóm 4:
- Khi biết có thai các bạn nữ phải báo với cha mẹ không được tự ý xử lí vì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe sau này như vô sinh...
- Các bạn nữ không nên mang thai ở tuổi dậy thì vì cơ thể phát triển chưa đầy đủ sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ và cả thai nhi, ảnh hưởng tới tâm lí người mẹ. Đặc biệt là học sinh nếu mang thai sẽ làm dang dở việc học, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống tinh thần của các em sao này.
- Có các biện pháp tránh thai: Tính vòng kinh, đặt vòng tránh thai, sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, bao cao su, thắt ống dẫn trứng, thắt ống dẫn tinh, xuất tinh ngoài âm đạo.
Kiểm tra đánh giá sau bài học
Kiểm tra đánh giá ngay sau bài học bằng các câu hỏi trắc nghiệm để đánh giá được mức độ nhận thức của học sinh từ đó điều chỉnh nhận thức đúng đắn cho học sinh theo mục tiêu đã đề ra.
Các câu hỏi đánh giá nhận thức của học sinh:
Câu 1. Dấu hiệu có giá trị nhất để đánh giá sự thay đổi sinh lý vị thành niên nữ là:
A. Noãn trưởng thành.
B. Có rụng trứng.
C. Nang noãn tiết estrogen.
D. Có kinh nguyệt.
Câu 2. Dấu hiệu nào sau đây xuất hiện không phải là dấu hiệu đánh dấu tuổi dậy thì ở nam?
A. Phát triển lông mu, lông nách
B. Phát triển tuyến vú
C. Nổi mụn trứng cá
D. Mộng tinh
Câu 3. Vị thành niên có thể áp dụng các biện pháp tránh thai sau, ngoại trừ :
A. Bao cao su tránh thai
B. Triệt sản
C. Thuốc uống tránh thai
D. Xuất tinh ngoài âm đạo
Câu 4. Thai nghén ở tuổi vị thành niên có thể dẫn đến nguy cơ nào?
A. Nguy cơ mắc tiểu đường
B. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch
C. Nguy cơ mắc bệnh thiếu máu
D. Nguy cơ sẩy thai, đẻ non
Qua dạy học tích hợp sức khỏe sinh sản trong bài 27, học sinh có thêm những hiểu biết về giới tính, giải tỏa những băn khoăn, thắc mắc về những sự thay đổi của chính cơ thể mình, giúp các em hiểu về nhau, tôn trọng và thông cảm cho nhau. Học sinh gần gũi với giáo viên, có thể chia sẻ tâm tư, suy nghĩ, những băn khoăn của mình một cách cở mở.
Cũng với cách này, học sinh vừa lĩnh hội được kiến thức bài học vừa tìm hiểu được các kiến thức sát với thực tiễn, đem lại niềm vui, hứng thú học tập, từ đó yêu thích môn học hơn.

Tác giả bài viết: Lò Thị Cương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết Website

 

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm14
  • Hôm nay1,258
  • Tháng hiện tại18,404
  • Tổng lượt truy cập2,120,986
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây